6 thg 1, 2008

..LÃN ĐÃNG CUỐI NĂM


Trong những ngày gần tết này luôn là thời khắc mà ai ai cũng dễ có cảm xúc, tôi cũng là người dễ có cảm xúc nhất, nó gợi cho tôi nhớ đến những kỷ niệm ngày xưa còn đi học, những ngày này cách đây lâu lắm rồi…chúng tôi đang chuẩn bị thi học kỳ 1, và những ngày học nhóm, có những niềm vui, nỗi buồn, và cả nhớ nhung về ai đó, ôi tuổi thơ ơi không thể nào quên được. những bài toán những bài thuộc lòng luôn có một nhân vật gắn liền với sự học tốt của tôi (vì mỗi nhân vật giúp tôi học 1 môn),và những cuộc cãi vã, chửi bới loạn xị được kết thúc bởi những bánh, kẹo, chè và đôi khi là giận hờn, tức tối…từ lớp 7 đến lớp 11 tôi đã có những kỷ niệm như thế.

Hồi đó chúng tôi học nhẹ hơn mấy nhóc tì bây giờ, vả lại ở một miền quê nghèo của đồng bằng sông cửu long- thì làm gì được học gì đâu, đến trường để không bị mù chữ thôi mà, nhưng ở đó nó đã hình thành cho tôi bản lĩnh, tình yêu đất, nước, con người và biết yêu quí sự lao động, có biết bao điều bổ sung cho cá tính, tình cảm, và đạo đức của con người tôi, sự thủy chung, tính phóng khoáng của người miệt sông nước đã ăn vào máu tôi từ rất lâu. trẻ con nhà quê đâu có biết gì… thế đấy. những điều ấy khi đi xa quê đến nơi phồn hoa đô hội nó vẫn hiện diện trong giấc mơ tôi, nó cùng tôi giữ vững những giá trị đích thực của con người tôi, không bị vướng vào vòng xoáy của vật chất, của hư danh.

Tôi đi học như một cuộc dạo chơi của tuổi thơ, ngoài giờ lên lớp tôi có rất nhiều việc để làm, nuôi heo, chăn vịt, cắt rau, vớt bèo… chăm em và một số bữa ăn trong nhà, do vậy tôi học bài trong lúc làm việc, đủ mọi thứ được tôi biến thành nơi học, có biết bao nhiêu những chuyện cổ tích để kể cho em mình trong lúc làm bài để nó khỏi quấy, tôi biết mình lớn nên phải chăm sóc cho các em và giúp má làm một số việc trong nhà, bởi ba tôi đang ở nước ngoài, những điều đó nó giúp tôi “già” từ nhỏ, mọi thứ đến với tôi rất chậm nhưng có rất nhiều hướng giải quyết, tôi lí lắc và rất hay táy máy, không biết sợ gì cả.

Ở nhà tôi luôn phải chiều chuộng các em nên đến trường tôi hay thu mình lại và không muốn nói chuyện với ai cả, tôi không thèm chơi vì ở nhà chơi với em đến mệt lử rồi, tôi không muốn nói chuyện vì ở nhà đã bịa rất nhiều chuyện cổ tích kể hàng 1000 lần mà chả lần nào giống lần nào, nhưng en út tôi khoái chí lắm, có khi nó ngủ khì ngay khi chuyện của tôi bước vào lúc gay cấn, bởi vậy khi ra chơi mấy đứa bạn bằng tuổi cứ chạy tít mù, la hét toán loạn, tôi cười khẩy…đồ nhóc con…còn khi xếp hàng thì tôi rất nghiêm túc, không ngọ ngậy vì xếp hành mua nhu yếu phẩm đã ăn sau vào óc trẻ thơ của tôi, ngọ ngậy là mất chỗ… bài học đầu đời của thời bao cấp….lớp tôi họp lớp phê phán tôi là sống thụ động khép kín, cần tăng cường quan hệ bạn bè…có nguy cơ bị cô độc….?. sau này khi lên sài gòn học tôi đã có lúc bật khóc vì thèm được nô đùa lại những ngày bé thơ ấy, cái thời đói khổ của bao cấp, của cùng cực những con người.

Ấy vậy mà trong cái đám nhóc con đó đã có đứa cả “gan” làm bạn với tôi, tôi không biết lúc đó như thế nào nhưng tính từ ngày đầu đến khi hai đứa tôi chính thức làm bạn là 2 tháng… một khoảng thời gian ngắn thấy ớn… lúc đầu tôi không để ý nhưng sau đó lúc nào xếp hàng thì thằng nhóc đó luôn đứng sau lưng tôi, im lặng không nói, chỉ nheo nheo mắt ..cười thấy ghét… không quan trọng… nhưng bất kỳ làm gì ở đâu tui đều thấy thằng đó ở kế bên…sau đó trong hộc bàn luôn có những món quà bất ngờ : bút chì, gôm màu và có mùi thơm. có khi là một cái mặt cười, rồi cao trào đã đến khi tôi nhận được hình vẽ của một con đà điểu giấu đầu dưới bãi cát.. vụ gì đây? câu hỏi của một “ông già” con nít bắt đầu trỗi dậy, tôi bắt đầu để ý…và bắt gặp thằng nhóc viết lời xin lỗi, bị tôi bắt quả tang mặt nhóc đỏ thấy ớn…tôi không nói gì chỉ quan sát: người gì mà tay chân bự thấy ớn, đen, và cao hơn tui … ôi chắc không có gì đâu, tôi tự nhủ…thế rồi đêm cắm trại toàn trường diễn ra cuộc chạm trán giữa một “ông già” con nít và thằng nhóc bạn đó, tôi thì hiếu động, tham gia những chương trình “đẳng cấp” ví như :ca múa nhạc chẳng hạn… thằng bạn thì “bạo lực” hơn ví như :bóng chuyền, kéo co, đấu vật… trời ơi đất cát quá đi thôi, tui sợ cái đất cát đó rồi vì ngày nào cũng “gần gũi” với heo, gà, vịt, đất cát…ngán quá rồi. nhưng tất cả đất cát đó lại đem về cho lớp tôi những chiến thắng, còn một điều làm tôi thấy thích là hình như thằng nhóc đó muốn khẳng định với tôi…

đêm lửa trại quá vui nên sức tôi bị làm sao đó…khi tỉnh dậy tôi thấy cái mặt thằng nhóc đó đang rất căng thẳng, tôi hỏi cái gì vậy? xỉu! …tôi hả? ….hihi chẳng lẽ tui cha?(thằng nhóc nói) cả lớp 7A2 của tôi lao xao, tôi buộc phải về nhà…người tình nguyện đưa tôi về là thằng nhóc đó…tôi biết mình: trái tim mệt mỏi của tôi bị tái phát, nhưng tôi giấu, ngay cả ở nhà cũng chẳng biết đâu. tôi tự vào chùa uống thuốc, sau đó ở lại phơi thuốc giúp các cô trong chùa, tôi tự lo cho mình từ bé như vậy đó.

Cuộc chở tôi về nhà biến thành một cuộc trốn chạy khỏi buổi cắm trại của trường, của hai chúng tôi, mới lớp 7 mà cũng biết đi chơi đấy, lần đầu tiên tôi được một người bạn chở đi ra thị xã chơi, trước đó toàn là má chở tôi, tôi không dám chạy xe 1 mình…

thằng nhóc mở lời : yếu xìu,

tôi : ừh vậy đó

thằng nhóc : còn mệt không?

im lặng

thằng nhóc : còn mệt không?

im lặng

thằng nhóc : còn mệt hả?

tôi : không biết.

thằng thằng nhóc : cứng đầu

tôi : nói tui hả?

nhóc : hổng lẽ tui?

tôi im lặng, và gặm nhấm niềm vui vì đã có người dám nói tôi cứng đầu, tối đó chúng tôi không về nhà đứa nào cả mà về nhà nội của thằng nhóc đó, chúng tôi biết về nhau khá nhiều, tôi kể cho thằng nhóc đó mọi chuyện, thằng nhóc đó cũng kể hết cho tôi nghe, tôi thấy hay ghê vì hai đứa chỉ có một điều giống nhau đó là sống vì những người khác…chúng tôi ngủ đến trưa hôm sau , thằng nhóc chở tôi về nhà, và giữa hai đứa đã ngầm hiểu là bạn rồi đấy.

Sau cái ngày đó tôi luôn có người chở đi học, đưa về, đi cắt rau, lục bình, vớt bèo chung, học chung và coi nhà nhau như nhà của mình, sẵn sàng chia xẻ mọi thứ, dép cũng giống, quần shoc cũng giống, nón, giày bata… cái gì cũng giống, nhưng cái bự cái nhỏ thôi. chúng tôi cùng nhau vượt qua thời phổ thông trung học thường thường bậc trung, tôi thì hay gây gổ, thằng nhóc thì im lặng trầm ngâm, tôi hay gây sự, thằng nhóc thì kiên nhẫn, từ khi có thằng nhóc tôi không còn “già” nữa, mà thằng nhóc đó “già” hơn tôi, mọi thứ tôi đều đẩy cho nhóc của tôi, như : sửa xe, chở tôi đi học, xếp áo mưa mỗi khi mặc xong, và tất cả mọi thứ dính líu đến chúng tôi…thằng nhóc đó làm hết, tôi được chiều hết mức, bởi vì thằng nhóc lớn hơn tôi 2 tuổi, và bởi vì thằng nhóc sợ trái tim tôi ngừng đập, được thế tôi càng lấn lướt… (trong lịch sự) chúng tôi gần nhau, hiểu nhau bằng mắt, chỉ cần giữa đám đông chúng tôi nhìn nhau là có thể biết nên ở lại hay ra về, đang nói thao thao bất tuyệt nhưng chợt thấy có ai đó nhìn là tôi biết mình phải làm gì hay là im lặng, chúng tôi có thể nhận ra nhau giữa cả một rừng người bởi ánh mắt và bởi các động tác đặc trưng, và mùi xà bông của nhau, từ lớp 7 đến lớp 11 chúng tôi đã có rất nhiều kỷ niệm, những món quà giản đơn nhưng chúa đầy dấu ấn cứ nhiều dần lên, đã có những thời khắc chúng tôi nghĩ mỗi đứa học một nghề để bổ sung cho nhau, để chăm sóc cho gia đình của nhau, rồi phải có nhà ở gần nhau khi có việc gì thì sẵn sàng có mặt để giúp đỡ (mà thật ra chỉ có tôi mới cần giúp đỡ.. tôi bắt thằng nhóc nghĩ thế). và rồi có những giây phút chúng tôi dằn vặt vì quyết định của của mình, khi rời xa nhau đi học, những quyết định vì gia đình mà rời xa nhau vì kế sinh nhai của mỗi gia đình, sau một thời gian chúng tôi lại rất khó khăn để nói lời cuối cùng với nhau : lời vĩnh biệt nhau; một người còn lại và một người ra đi mãi mãi, người ở lại bao giờ cũng là người vụng về, tôi đấy mà, tôi bị bỏ rơi lại, bỏ rơi không một lời xin lỗi, tôi sẽ khổ, tôi nghĩ thế vì không còn ai giúp đỡ tôi nữa, sẽ không còn ai mắng tôi là đồ lì nữa, chẳng ai nhìn và cũng chẳng ai thèm hiểu, nhìn để làm gì, hiểu để làm gì? cái người sợ tim ngừng đập thì sống, người đang khỏe thì lại hết hơi thở… còn gì nữa không tuổi thơ của tôi, tuổi 17 của tôi bị mất mát sớm thế sao? ừ đó là một chặng đường đầu đấy mà. nhưng chặng đường không đơn gian, năm cuối cấp đang rình rập nhấn chìm những ước mơ của tôi nếu tôi không kiên cường chống trả với tình cảm, với nỗi buồn và với thách thức của người còn đang ở lại.

Tuổi thơ là thế, nhưng tuổi thơ nó để lại trong tâm khảm những điều thiêng liêng, và khó mà có thể xóa nhòa, ngay trong những điều còn duy trì đến nay tôi vẫn còn đang giữ, giữ để mà nhớ, giữ để mà biết rằng mình đã như thế nào, giữ để biết mình luôn như vậy, thủy chung và không quên bất cứ điều gì đã đi qua đời mình. đó là động lực để tôi nhớ về, để tôi vươn lên khẳng định, tôi khóc cười với ký ức trong suốt quãng đời đại học, tôi gắn tên mình vào nỗi nhớ, để rồi khi định danh được trong cuộc sống tôi ký tên mình bằng ký ức của tuổi thơ.

Mùa đang về và ký ức cũng đang về, không có mùa nào vui bằng mùa tết, và không gì buồn bằng mùa tết, và không có mùa nào bằng tết khi mà tình cảm con người dễ thả nổi nhất, nhớ nhiều về quá khứ, ít chịu nhìn về tương lai. tôi đang có những mối quan hệ bạn bè tốt, tôi cũng đã có những quan tâm từ bạn bè, tuy không còn trẻ con nữa nhưng có khác gì đâu khi tuổi già là trở về với tuổi thơ mà, tôi cũng đang sợ vì không thể chịu đựng được sự chia ly, tôi không muốn lặp lại những gì đã qua, nói ra để thấy rằng mình cần có những gì đã có vậy thôi.

Không có nhận xét nào: