2 thg 2, 2008

... HÔM NAY TÔI TRỞ LẠI, LÒNG CHỢT VUI THẤY SÔNG KHÔNG GIÀ

Đã lâu lắm rồi tôi không có dịp về lại quê hương tôi- cần thơ, đôi khi đã đi đến cao lãnh rồi mà chỉ chừng đó thôi cũng không tạt về nổi... nghĩ cũng lạ, một khi người ta quay cuồng theo vòng quay của cuộc sống, người ta lại ít khi nào chịu để cho những tình cảm riêng làm nao núng, bất chấp mọi thứ để đạt đến danh lợi riêng tư, tôi chắc không năm ngoài vòng xoay đó...

Rời cần thơ khi tuổi đời còn rất non nớt, ngây ngô, dại khờ, tôi chưa biết rồi đây mình sẽ ra sao? sẽ làm được gì, tôi chỉ biết cầu khẩn làm sao có sức khoẻ để vượt qua tất cả mọi trở ngại, tôi ra đi mà trong lòng luôn có một dòng sông hiền hoà và thơ mộng- sông hậu " con sông tôi tắm mát, con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà..." sông hậu còn cho tôi biết bao kỷ niệm thời thơ bé và nó chứng kiến những sự buồn khổ theo thời gian của tôi, có nhiều khi tôi ngồi mấy tiếng đồng hồ bên bờ sông hậu để nhờ sông trôi đi những ưu tư buồn não...

Má tôi nói hồi nhỏ má tôi đi học trường tây trên phố nhưng cũng rất thích ra bờ sông hậu ngồi, có đôi khi quên cả giờ về, bị ông cố tôi đánh đòn, Má tôi nói con sông hậu là tài sản quí giá của mỗi con người đồng bằng có sông hậu chảy qua, nó là niềm tự hào của 9 nhánh sông rồng...

Sông hậu là chứng nhân lịch sử cho những trận đánh anh hùng của dân tộc, nó còn là bài anh hùng ca cho những ai đã ngã xuống cho hôm nay, nó còn là chứng nhân cho một giai đoạn quặn mình tìm đường đổi mới của dân tộc, của người châu thổ... và của chính gia đình tôi.

Tôi yêu con sông quê vì nó đã cho tôi tình cảm dạt dào như chính dòng chảy của nó, nó cho tôi mát lạnh như nước mà nó mang trong lòng, tôi ra đi mang theo hành trang đó, tôi xử sự, kết giao, gắn bó bởi chính sự mát lạnh dạt dào như con sông, có người đón nhận có người thì hờ hững, có người trả lại ngay khi tôi vừa định trao...

Cuộc đời trả vay- vay trả đã làm cho tôi thật sự ngán ngẩm khi phải đối diện với những vật chất tầm thường, tôi cứ nói nủa đùa nửa thật với bạn bè tôi rằng : có ai quản lý cuộc đời và tài sản giúp tôi với, tôi muốn đi ngao du đâu đó để thư thái quãng đời còn lại, tôi muốn trải lòng ra để chia sẻ với mọi người khốn khó, tôi muốn đến những vùng xa xôi, khó khăn... nhưng việc về thăm quê còn khó huống hồ chi những ước mơ ngao du chứ!

Mùa xuân đến kéo theo bao bộn bề, bận bịu, thời gian được tính bằng ngày âm... nhớ bạn bè đến cháy lòng mà không đi được, muốn chia sẻ ấm áp cho những nơi giá lạnh cũng không xong, nhà của thì lu bù, đủ thứ đìêu phải lo, người ta đi chợ tết mua sắm thức ăn, tôi đi chợ tết sắm nồi niêu, chén đũa... ôi khốn nạn thân tôi...

Dù bận bịu bao nhiêu thì tôi vẫn phải đi cà mau để tặng quà cho người nghèo, vì ở đó Ba tôi được sinh ra, bởi vì nơi đó đã cho ra đời một con người xứng đáng làm rạng danh dân tộc như ba tôi... và bởi vì nơi đó cô chú , anh chị của tôi đã hy sinh ở , chuyến đi trong đêm nên rất lặng lẽ, lặng lẽ như chính những suy nghĩ của tôi vậy...

Đến phà cần thơ là 24g30, mọi người mệt mỏi ngủ vùi... tôi lững thững ra mỏ bàn phà để được... khóc với dòng sông quê tôi, khóc trong hối hận, nhớ nhung, khóc trong hạnh phúc, khóc vì biết mình vẫn đủ đầy cảm xúc, khóc để biết mình sống vì cái gì, dòng sông đó đã đón đưa biết bao dòng sống của họ ngoại tôi, ông bà ngoại, Má tôi và rồi sẽ đến tôi, họ hiển hiện như muốn ôm ấp vỗ về tôi, giọt nước mắt rơi xuống chỉ đủ làm một vòng loang nhỏ, nhưng lòng tôi se thắt lại, giữa trời đêm chỉ có tôi và sông thôi tôi đã già để mà nguỵ biện nhưng tôi không thể nào dối lòng mình được...


..."Hôm nay tôi trở lại, lòng chợt vui thấy sông không già" hậu giang vẫn thế, dòng chảy vẫn thế, nó hiện hữu rất đỗi hào hùng, tôi nhìn xuống đó thấy tất cả những đục trong, thấy dòng nóng lạnh đan xen và thấy được những gương mặt bạn bè thân thương, sông không già vì sông đâu có tuổi, sông vẫn vui vì còn những thế hệ sau sẽ yêu mến sông như tôi vậy, sẽ có nhiều giọt nước mắt vui buồn hay hạnh phúc rơi xuống đây sông sẽ làm cho nó mát ngọt mãi mãi, sống phải trẻ để mà chứng kiến người quay về từ nẻo xa xăm...

Không có nhận xét nào: